Ngày đăng: 05/07/2020 Lượt xem: 613
Ngày 29/6, Cirque du Soleil - công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xiếc - nộp đơn xin bảo lãnh phá sản lên tòa án Canada sau hơn ba tháng không tổ chức show. Việc tên tuổi lớn như Cirque du Soleil xin phá sản khiến nhiều chuyên gia kinh tế bất ngờ. Hồi tháng 3, giám đốc gánh xiếc nói tự tin công ty sớm phục hồi sau đại dịch vì khán giả sẽ càng háo hức được xem chương trình sau thời gian đóng cửa.
Dù không còn ở thời hoàng kim như thập niên 1990 hay 2000, Cirque du Soleil vẫn duy trì doanh thu hàng năm ở mức 600 đến 900 triệu USD trong 5 năm gần đây, theo Forbes. Công ty cung cấp khoảng 4.000 việc làm cho nghệ sĩ và khối văn phòng, vận hành khoảng 300 đêm diễn một năm. Doanh thu của Cirque du Soleil phần lớn đến từ các show định kỳ tại Las Vegas, Mỹ. Theo Guardian, các show của công ty có thời thu hút khoảng 9.000 lượt khách một đêm. Mỗi chương trình cần khoảng 75 nghệ sĩ biểu diễn, cùng đội ngũ hậu cần khoảng 150 người.
Tháng 3, khi có lệnh phong tỏa, giới thượng tầng của Cirque du Soleil nhìn thấy nguy cơ nhưng không tính được mức độ nghiêm trọng. Sau cuộc họp cổ đông, họ đồng ý chi 50 triệu USD để duy trì, nhưng số tiền đó chỉ đủ giúp công ty vận hành trong ba tháng. Cirque hiện hủy toàn bộ lịch diễn trên toàn thế giới, chưa có kế hoạch trở lại. Công ty chưa hoàn tiền vé cho những khán giả đặt chỗ, kêu gọi mọi người giữ vé chờ đợi.
Daniel Lamarre - CEO công ty - nói với CNN: "Chúng tôi không thu được thêm khoản nào từ khi đóng cửa. Suốt 36 năm qua, Cirque luôn thành công và đem lại lợi nhuận lớn. Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản là phương pháp khả thi nhất để bảo vệ công ty trong lúc này". Cirque du Soleil hiện nợ khoảng 1 tỷ USD và không có khả năng chi trả.
Ngày 29/6, công ty sa thải khoảng 3.500 nhân viên. Tất cả như tuyệt vọng khi nghe tin. Theo The Feed, Daniel Crispin một nghệ sĩ nhào lộn cho biết mọi thứ vốn tồi tệ trước dịch. Các động tác khó khiến anh thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau để đảm bảo lịch diễn dày đặc. Anh khẳng định tốn khoảng 100.000 USD cho chi phí y tế, khoản tiền này được trích từ lương. Phía Cirque du Soleil cho biết hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho diễn viên ngay cả khi giải nghệ. Công ty mua một gói bảo hiểm từ bên thứ ba. Đơn vị này độc lập quyết định các khoản hỗ trợ cho diễn viên dựa trên kết quả khám của bác sĩ. Cirque du Soleil cũng lập khẩn cấp một quỹ 20 triệu USD hỗ trợ nhân viên và trả lương nợ cho các cộng tác viên tự do.
Sự sụp đổ của đế chế Cirque du Soleil là chuông báo động cho ngành công nghiệp biểu diễn thế giới, vốn đóng băng nhiều tháng qua.
Broadway - biểu tượng của nghệ thuật sân khấu Mỹ - mới thông báo đóng cửa toàn bộ sân khấu hết năm. Thông báo từ liên đoàn kịch Broadway là đòn đánh mạnh vào hy vọng mở cửa trở lại của 41 nhà hát tại đây. Thời gian qua, một số bang tại Mỹ nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép rạp phim, nhà hát hoạt động nhưng phải tuân thủ các hướng dẫn về phòng dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định những vùng này lập tức tăng mạnh lượng ca nhiễm mới.
Hai năm qua, sân khấu Broadway nóng trở lại, liên tiếp tăng doanh thu và mức kỷ lục 1,8 tỷ USD với những vở ăn khách mới như Hamilton, Dear Evan Hansen... Các vở kinh điển như Phantom of the Opera, Lion King tiếp tục được ưa chuộng. Covid-19 khiến kế hoạch phát triển của liên đoàn kịch đổ bể.
Ông St. Martin - giám đốc liên đoàn kịch - nói với MarketWatch: "Chúng tôi không thể mở lại nếu còn nỗi lo về y tế. Broadway là trái tim của New York. Những nhà hàng, quán rượu ở đây hoạt động tốt là nhờ lượt khách đến xem kịch. Sân khấu cũng tạo công việc cho khoảng 96.900 người".
Các chủ rạp hát đang chờ đợi sự giúp đỡ từ chính quyền. Năm 2001, thành phố New York từng chi tiền mua 10.000 vé để giúp đỡ Broadway sau ảnh hưởng của vụ khủng bố 11/9. Tuy nhiên, St. Martin nói sự giúp đỡ đó không nhằm nhò gì so với tổn thất của ngành kịch, vốn sống nhờ nguồn khách du lịch đông đảo tới thành phố mỗi năm.
Theo Vulture, một nhà sản xuất gạo cội giấu tên lo lắng về tương lai của Broadway. Sự tăng trưởng của sân khấu trong những năm gần đây dựa vào các vở nhạc kịch thành công. Lượng khán giả phụ thuộc vào khách du lịch, tạo hiện trạng chỉ những vở được xây dựng từ các thương hiệu lớn có sẵn như Harry Potter, Lion King... được đón nhận. Trong khi đó, nhiều vở chết yểu vì kinh phí lớn mà không bán được vé. Nhiều đêm, sân khấu Broadway hoàn toàn không có khách Mỹ. Khoảng 50% khán giả cho biết chỉ có nhu cầu xem kịch sáu tháng một lần. Đa phần khách xem là người già, trong đó 15% đã quá tuổi 65.
Tại Anh, sân khấu trong hoàn cảnh tương tự, hàng loạt nhà hát đứng trước nguy cơ đóng cửa. Theo BBC, hội đồng nghệ thuật xứ Wales xin chính phủ hỗ trợ về mặt tài chính. Tamara Harvey - giám đốc nhà hát Theatr Clwyd - cho biết lệnh nới lỏng giãn cách không giúp cứu ngành biểu diễn trong lúc này. "Diễn viên trong đoàn vẫn phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khiến việc tương tác, sáng tạo bị ảnh hưởng. Các màn kịch sẽ rất khác. Đồng thời, việc hạn chế khán giả khiến chúng tôi lỗ ngay cả khi mở cửa", Harvey nói. Nhiều nhà hát quyết định tiếp tục đóng cửa dù có thể tổ chức show trở lại.
iMe Entertainment - công ty tổ chức sự kiện giải trí trực tiếp hàng đầu châu Á, từng làm việc với Katy Perry, BTS - phải hủy toàn bộ sự kiện từ tháng 2 tới nay. Zhai Min - thuộc ban giám đốc công ty - nói với tờ CGTN: "Chúng tôi, cũng như các đơn vị khác trong ngành, chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch. Tất cả đang sống mòn nhờ những khoản tiết kiệm. Chúng tôi vẫn phải chi trả nhiều khoản, nhưng không có doanh thu".
Zhai Min cũng lo lắng về khả năng phục hồi của ngành công nghiệp biểu diễn sau dịch. "Lúc này, nếu mở cửa trở lại, chúng tôi chi trả 100% chi phí. Tuy nhiên, khả năng cao các show chỉ được đón 30% đến 50% khách vì yêu cầu khoảng cách an toàn". Cô cũng cho rằng người dân châu Á sẽ chi ít hơn cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, sau khi bị ảnh hưởng kinh tế vì dịch.
Theo Conversation, các chuyên gia ước tính Covid-19 khiến ngành công nghiệp biểu diễn tính riêng tại Mỹ tổn thất khoảng 12 tỷ USD. Khác với những thảm họa như khủng bố (năm 2001), dịch SARS (2003), ngành biểu diễn chưa từng bị đóng cửa toàn cầu như hiện nay. Khả năng phục hồi cũng được dự đoán khó khăn hơn so với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Tương lai của ngành hiện phụ thuộc việc giãn cách xã hội kéo dài bao lâu. Đồng thời, các nhà sản xuất đứng trước thử thách kéo khán giả lại sân khấu sau dịch, vốn đã là bài toán đau đầu với họ từ trước khi Covid-19 bùng phát.