Kinh tế

Nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Trung Quốc mang tên "Corona"


Ngày đăng: 08/02/2020 Lượt xem: 728

Sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) lây lan nhanh từ Vũ Hán (Trung Quốc) là nỗi lo nặng gánh đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn đã phải hứng chịu nhiều tổn thương vì thương chiến với Mỹ thời gian qua.

Chủng virus corona mới lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Tính đến ngày 7/2/2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này ghi nhận thêm 73 ca tử vong liên quan đến dịch bệnh do virus corona, nâng tổng số người thiệt mạng do virus mới này lên 636 người.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng năm 2019 thấp nhất trong 29 năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6% trong quý IV/2019, kéo cả năm lên con số 6,1%, yếu nhất trong gần ba thập kỷ gần đây một phần do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, nợ công, tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa và giảm phát.

Nỗi ám ảnh tăng trưởng càng trở nên nặng nề khi mà trước những tổn hại chưa kịp phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc lại được cảnh báo sẽ "chao đảo" hơn nữa khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát với mức tăng trưởng kỳ vọng năm 2020 chỉ khoảng 5,6%.

Ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Trung Nguyên cho biết: “Thật khó để dự đoán thời điểm kết thúc vụ dịch. Tăng trưởng GDP quý đầu tiên có thể giảm xuống dưới 5% và tác động có thể kéo dài trong quý hai.”

Chính quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có lệnh cấm các tour du lịch trong và ngoài nước, phong tỏa TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi nCoV bùng phát và kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Mạng lưới giao thông tại Trung Quốc cũng bị hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Được biết, đã có đến hơn 40 hãng hàng không nước ngoài đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Các hoạt động kinh tế trong nước bị ngưng trệ, xuất nhập khẩu điêu đứng, cùng nhiều dịch vụ bị đóng cửa. "Gã khổng lồ" công nghệ Apple tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và văn phòng công ty tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2/2020. Điều này sẽ khiến công ty phải đối mặt với việc ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm mà họ bán trên toàn thế giới.

Hàng loạt các tên tuổi lớn như McDonald và Starbucks cũng đóng hàng ngàn cửa hàng trên khắp Trung Quốc nhằm tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ nước này. Một số công ty khác thậm chí đã tìm cách rút ra khỏi Trung Quốc trước khi virus bùng phát, do căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã nóng lên trong những năm gần đây và chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng lên.

Trong khi các doanh nghiệp lớn phải cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí trượt đến bờ vực phá sản nếu tình hình không được cải thiện.

Theo các chuyên gia và tổ chức quốc tế, điều này có thể sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị trì trệ trong một thời gian dài, ít nhất là hết quý I/2020. Ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Trung Nguyên cho biết: “Thật khó để dự đoán thời điểm kết thúc vụ dịch. Tăng trưởng GDP quý đầu tiên có thể giảm xuống dưới 5% và tác động có thể kéo dài trong quý hai.”

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zhang Ming thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cùng một số nhà phân tích khác cho rằng tác động từ dịch viêm phổi cấp do nCoV thậm chí có thể nghiêm trọng hơn SARS - dịch viêm đường hô hấp cấp đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao đao hồi năm 2002-2003. Theo đó, dịch bệnh lần này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất việc làm và đẩy giá tiêu dùng cao hơn, qua đó càng làm sâu sắc thêm những vấn đề kinh tế tồn tại từ trước của Trung Quốc. Chuyên gia Zhang cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới, dao động trong khoảng 4-5%.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa quyết định bơm khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này nhằm cứu vãn nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định các biện pháp này là chưa đủ để đưa nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Chuyên gia kinh tế Hubert de Barochez thuộc Capital Economics cho rằng, ngay cả với kịch bản lạc quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng và các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại bình thường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn cần phải cắt tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay.

Chung quan điểm này, chuyên gia Zhang Ming nhận định, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế. Theo chuyên gia Zhang, biện pháp này có thể giúp tăng trưởng phục hồi trong quý II/2020 và đẩy tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc lên khoảng 5,7%. 

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại cũng như nguồn khách du lịch lớn nhất của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thách thức do dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra được nhiều chuyên gia ví von là "phép thử" đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như kinh tế toàn cầu.



TIN KHÁC
Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam trong dịch virus corona?

Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam trong dịch virus corona?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch virus corona không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam mà ở đó còn có cả những cơ hội.