Ngày đăng: 07/08/2020 Lượt xem: 571
Việc thực hiện mục tiêu kép cũng như bảo đảm nên kinh tế vận hành bình thường, không xảy ra các đứt gãy được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chỉ thị 11 và các Nghị quyết số 01, số 02, số 42 và số 84; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn.
“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 |
Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra; đồng thời, phải tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Chính phủ lưu ý cũng lưu ý tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát; không được có bất cứ hạn chế nào; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.
“Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cũng tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Phải nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo |
Tại buổi họp báo nhiều nội dung về kinh tế xã hội đã được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ thông tin tới các cơ quan báo chí. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay trước buổi họp báo, trong buổi tiếp của Bộ trưởng với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, phía Nhật Bản đã cho biết 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam sẽ được nhận các ưu đãi từ phía Chính phủ nước này.
Về các thông tin thời điểm này các đường dây nhập cảnh trái phép người nước ngoài vào Việt Nam lại xuất hiện nhiều hơn so với trước khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, từ đầu năm đến nay, 27/63 địa phương có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép với tổng số 504 người. Cụ thể, An Giang là 44 trường hợp, Bắc Ninh là 35, Đà Nẵng 78, TPHCM 12, Lai Châu 36, Lạng Sơn 29, Quảng Ninh 126 và Tây Ninh 32. Đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng Việt Nam và 1 đối tượng Trung Quốc tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Tướng Tô Ân Xô cũng thông tin, một số lượng lớn người nhập cảnh trái phép là số bà con ta đi lao động làm việc ở các nước láng giềng trở lại. Trước đây hầu hết những người này đi theo con đường không chính thức.
Liên quan đến những tác động mới đây của Covid-19 với nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có thể thấy ngay tác động tức thì của đợt Covid-19 này là ngành du lịch và ngành vận tải hành khách. Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị hủy chuyến đi, hủy hợp đồng du lịch. Mặc dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng tưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ 1 tháng đã có tác động lớn.
Ngay sau khi dịch bùng phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.
Về vấn đề xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng về việc này chúng ta phải xem xét kỹ về pháp lý. Trong Luật Giáo dục có nêu rằng học sinh tốt nghiệp đã học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp Bằng Tốt nghiệp THPT. Do đó, khi xét đặc cách phải báo cáo Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này.
Tuy nhiên, việc xét đặc cách ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, đây là vấn đề rất lớn. Liên quan đến công tác xét tuyển sinh ĐH và cao đẳng, đặc biệt là trong 42 trường của Công an, Quân đội dựa vào phương thức xét tuyển sức khoẻ và kết quả thi tốt nghiệp THPT thì những học sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển vào đại học thì không sao nhưng những học sinh xét đặc cách nếu đăng ký vào các trường này thì phải cân nhắc thực hiện thế nào cho phù hợp.
“Hôm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và các địa phương về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, phụ huynh. Chúng tôi phải nói rõ vấn đề này để truyền thông thông tin làm sao có cái nhìn tổng thể về việc thi tốt nghiệp THPT vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo đảm thực hiện Luật Giáo dục, công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các địa phương để quyết định vấn đề thi sao cho đảm bảo các thí sinh thi tốt và không lây nhiễm trong quá trình thi cho thầy cô, học sinh…” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
BaoCongThuong