Ngày đăng: 11/08/2020 Lượt xem: 593
Trước đó Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội khẳng định, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi “phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội”.
Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 12/6/2020 |
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Như vậy Hà Nội sẽ là địa phương duy nhất trong cả nước hội đủ cả các hình thức pháp luật về cơ chế, chính sách đặc thù.
Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ sự thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết. Đồng thời nhấn mạnh việc Nghị quyết được ban hành phải bảo đảm yêu cầu tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Hà Nội; thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch.
Cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến việc ban hành phí, lệ phí, bảo đảm hợp lý, có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đáng chú ý theo đại biểu Cường, dự thảo nghị quyết có 9 cơ chế thì có 7 cơ chế trùng lặp với cơ chế đã trao cho TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Chỉ có khác là xin cơ chế chi kinh phí chi thường xuyên nếu còn dôi dư cho đầu tư và đây là điều theo ông Cường, là điều đáng khuyến khích và “không có lý do gì mà không trao cho Hà Nội cơ chế này”.
Hai là Hà Nội đề xuất trao cơ chế hỗ trợ các địa phương khác từ ngân sách thành phố khác khi địa phương gặp khó khăn. Đây cũng là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” và cũng cần nghiên cứu trao cho Hà Nội cơ chế này
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề xuất, việc xây dựng cơ chế, chính sách là quan trọng, song không nên dùng từ “đặc thù” trong dự thảo Nghị quyết. Chính sách cho địa phương nào thì nên ghi cụ thể cho địa phương đấy và việc bỏ cụm từ “đặc thù” thì cũng không gây ảnh hưởng gì đến nội dung Nghị quyết, tránh đi “hội chứng” đặc thù.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương ủng hộ việc trao cơ chế để Hà Nội chủ động các nguồn vốn |
Theo đại biểu Cương, Hà Nội đứng trước nhiều bất cập, quá tải về hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, dân số tăng cơ học, ôn nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Đại biểu Cương ủng hộ việc trao cơ chế đặc thù để chủ động trong huy động các nguôn vốn đáp ứng mục tiêu, nhu cầu phát triển.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đề xuất cơ chế là quan trọng, song Hà Nội cũng cần quan tâm hơn nữa trong huy động và phát huy nguồn lực, tiềm lực; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu của người dân trong thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội của Hà Nội.
“Việc Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù về phát triển trong thời kỳ mới là phù hợp, nhưng điều này phải khác với việc xin nguồn lực vì nếu nguồn lực đổ về đây sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác”, đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.
BaoCongThuong