Ngày đăng: 07/08/2020 Lượt xem: 589
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, kéo dài đến 1h45 chiều ngày 1/8.
Phát biểu tại cuộc làm việc, các địa phương vùng ĐBSCL đều khẳng định quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu ở mức cao nhất, trong đó có tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công.
Nêu rõ không điều chỉnh chỉ tiêu đã đề ra trong năm nay, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương sớm chấp thuận bổ sung cảng biển nước sâu Trần Đề vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo quy định. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch, tỉnh sẽ phối hợp với bộ ngành liên quan kêu gọi đầu tư dự án theo quy định.
Nhất trí về vai trò quan trọng của cảng này đối với khu vực, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA (của WB) trong thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP để kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông gắn với logistic tỉnh An Giang và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trong liên kết vùng ĐBSCL, gồm Dự án cao tốc Cần Thơ – Long Xuyên - Châu Đốc.
Nhiều ý kiến các địa phương nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng, “muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì cùng đi với nhau”. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không địa phương nào an toàn trước COVID-19 nếu cả nước không an toàn. Với ĐBSCL, các tỉnh khó phát triển nếu không hợp tác. Với vùng, việc tiết giảm chi phí, nhất là chi phí logistic rất quan trọng, muốn giải cứu nông sản thì trước hết cần “giải cứu” chi phí trong nông nghiệp.
Cam kết giải ngân ở mức cao nhất, tỉnh Bến Tre đề xuất phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tổ chức một hội nghị cấp vùng để bàn việc xây dựng tuyến đường ven biển, tìm kiếm các nguồn vốn để thúc đẩy xây dựng tuyến này. Tỉnh cũng mong muốn tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư toàn vùng ĐBSCL để đón dòng vốn đầu tư mới.
Nhắc lại ý kiến của Thủ tướng là địa phương nào giải ngân tốt thì sẽ được điều chuyển thêm vốn, tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án đường 931 của tỉnh đã giải ngân hết tiền, dự kiến từ nay đến cuối năm có thể giải ngân thêm 50 tỷ đồng. Tỉnh kiến nghị được bố trí khoản vốn này từ các bộ, ngành, địa phương khác để triển khai tiếp dự án.
Để đón dòng vốn đầu tư, tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp đến năm 2020 từ 492ha lên 612ha để làm cơ sở triển khai các trình tự, thủ tục thành lập Khu công nghiệp Đông Phú từ việc nâng cấp Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, với diện tích 120ha.
Với Cà Mau, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, sớm triển khai đầu tư các dự án giao thông lớn trên địa bàn trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 63; triển khai đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
|
Cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của mình chưa tốt như kỳ vọng, tỉnh Bạc Liêu cho biết về giải pháp đã triển khai là hàng tuần tổ chức họp chuyên đề về giải ngân; thành lập một số tổ công tác đặc biệt như tổ công tác về xây dựng nông thôn mới, về giải phóng mặt bằng cho dự án điện gió, điện khí… Tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vào tháng 9 năm nay. Tỉnh cũng có một số chủ trương về trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư trong xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng kiến nghị sớm triển khai dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Trong tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. Tại cuộc làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Hội đồng vùng nên sớm tổ chức phiên họp để quyết định ngay 2 vấn đề là quy hoạch vùng và các dự án đầu tư liên vùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng tạo điều kiện cho các địa phương về việc mở rộng diện tích các khu công nghiệp để đón dòng vốn đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao việc thành lập Hội đồng vùng, cho rằng cần chọn ra các dự án mang tính đột phá cho ĐBSCL, nhất trí sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng để triển khai đường ven biển cũng như một số tuyến cao tốc. Bày tỏ cảm ơn các địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án, Bộ khẳng định, sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay.
Bí thư, Chủ tịch phải ra tay
Ghi nhận các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các địa phương đã khắc phục tốt hơn các hậu quả của hạn mặn, đã phòng chống COVID-19 quyết liệt, hiệu quả.
“Các đồng chí có quyết tâm cao, ý chí lớn, đặc biệt nhiều ý kiến phát biểu có chiều sâu, có tính liên vùng, liên kết vùng”, Thủ tướng nói. Nhiều tỉnh quyết tâm giải ngân 100%, không điều chỉnh chỉ tiêu.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, khắc phục chồng chéo, tháo gỡ nút thắt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là phân cấp phân quyền cho các địa phương chủ động tốt hơn nữa.
Địa phương phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa bàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm.
Phải có trách nhiệm triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Địa phương phải quan tâm hệ thống doanh nghiệp, không để đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp địa phương, quan tâm đến người nghèo, đồng bào dân tộc, công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
|
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian đến, Thủ tướng nêu rõ tinh thần đó là làm gì, dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, phát triển; có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, cần cảnh giác, kịp thời, áp dụng công nghệ, truy vết, bao vây ngay khi có ổ dịch xuất hiện.
Về phát triển kinh tế xã hội, cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương. Tăng trưởng GRDP toàn vùng không thấp hơn mức trung bình cả cả nước. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công
Ngoài kinh tế truyền thống, chú ý phát triển một số ngành mới như kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế ban đêm… Lãnh đạo các địa phương phải cố gắng tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay, Thủ tướng nêu rõ, việc lập Quy hoạch này cần lưu ý phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng.
Về nông nghiệp, hướng sản xuất là nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu với 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo theo tỷ lệ, cơ cấu phù hợp với diễn biến của khí hậu, môi trường.
|
Các trường, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đại học đa năng chất lượng cao theo mô hình đào tạo gắn liền với nhu cầu về nhân lực và hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phát triển kinh tế số dựa vào tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của các địa phương trong vùng; tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng những cánh đồng “thông minh”.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hội nhập; quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn.
Thủ tướng nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương tích cực, chủ động hỗ trợ các địa phương trong vùng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam để thu hút đầu tư thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.
baochinhphu.vn