Chính trị

Sản xuất công nghiệp, điều hành xuất khẩu gạo, bổ sung quy hoạch các dự án điện: Đi đúng hướng


Ngày đăng: 11/08/2020 Lượt xem: 748

Sáng ngày 15/6/2020, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến: Sản xuất công nghiệp, điều hành xuất khẩu gạo, bổ sung quy hoạch các dự án điện.

Theo đó, 3 vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đó là: Định hình thực tiễn và các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; Các nội dung liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo; Bổ sung quy hoạch các dự án điện để bảo đảm phát triển bền vững và cân đối cung cầu điện trong thời gian tới.

san xuat cong nghiep dieu hanh xuat khau gao bo sung quy hoach cac du an dien di dung huong
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, ngày 15/6/2020

Các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tình hình quốc tế trong giai đoạn hiện nay đang có những chuyển biến lớn, phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước. Đặc biệt là các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng thương mại Mỹ - EU, Mỹ - Ấn, Nhật - Hàn..., thì nay, với tác động của đại dịch Covid-19 đang trở nên ngày càng gay gắt hơn. Đại dịch lần này tiếp tục tác động mạnh mẽ tới quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực.

Trong khi đó, kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã bước vào giai đoạn suy thoái. Đặc biệt, suy thoái kinh tế toàn cầu lần này có tính chất rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008, khi đó chủ yếu là sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng, sụt giảm thị trường chứng khoán, mất giá tiền tệ qui mô lớn... Trong khi suy thoái kinh tế lần này diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư của thế giới.

“Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, thị trường đầu tư, tác động trực tiếp đến sự thay đổi của cấu trúc nền kinh tế thế giới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh,

Việc các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh sẽ tạo nên sự thay đổi trong việc khai thác công nghệ trong cả đời sống và sản xuất. Quá trình chuyển đổi số ở cả doanh nghiệp và người dân đã và đang diễn ra trên diện rộng, vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội lớn cho các quốc gia tận dụng để chuyển đổi, tăng tốc phát triển.

Tuy vậy, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh sớm hơn các nước. Lòng tin của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ; những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới được giữ vững (như tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại...). Đây là những yếu tố rất căn bản để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại ở mức 11,2% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8%. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tăng 10 điểm so với tháng 4, đạt 42,7 điểm (là mức cao nhất trong các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực). Nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt duy trì được mức tăng tích cực.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sau khi bị sụt giảm ở tháng 4 thì đến tháng 5 đã ghi nhận tăng trưởng tích cực trở lại (nhóm nông, thủy sản tăng 3,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%). Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9%).

Sau 5 tháng, cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư ở mức 1,88 tỷ USD, đóng góp vào ổn định các nền tảng vĩ mô của nền kinh tế.

Để chủ động các giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, ngay trong thời gian cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới được Bộ Công Thương chính thức ban hành ngày 3/6/2020. Có 3 nhóm vấn đề cốt lõi nhất mà Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt.

Thứ nhất, củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng.

Xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của nước ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.

Hai là, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các FTAs đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA:Đã thực hiện ngay việc rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, tận dụng có hiệu quả các cam kết hội nhập, đặc biệt là những cơ hội mới trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại mới để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tiến hành trao đổi trực tuyến ở nhiều cấp, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp điện đàm với người đồng cấp của nhiều đối tác quan trọng để trao đổi về tình hình thương mại, giải quyết các khó khăn về thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng cường kết nối, phối hợp giữa các các hiệp hội ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước với hệ thống thương vụ và trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thiết lập cơ chế tiếp nhận, phản hồi các nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và các nước.

Ba là, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. Bộ Công Thương đã nghiên cứu để có phương án đề xuất nhằm kích cầu trong nước trong giai đoạn mới khi Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo xây dựng “Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

Linh hoạt trong điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã xuất 3,06 triệu tấn, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2019; về kim ngạch đạt 1,48 tỷ USD, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng, nhất là bảo đảm được cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia; tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).

Công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm an ninh lượng thực trong mọi tình huống, trong đó có những thời điểm rất phức tạp trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đạt khoảng 930 nghìn tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 15/3/2020, xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 370 nghìn tấn so với cuối tháng 2/2020. Xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng.

Vào thời điểm 23/3, khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh (ngày 22/3 là ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trong một ngày), tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định thì nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu và nhuận hai tháng tư âm lịch, có nguy cơ bùng phát các nhóm sinh vật, sâu bệnh gây hại cho lúa vụ đông xuân. Vụ đông xuân rất quan trọng, quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này. Do vậy, nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3.

Đứng trước tính huống cấp bách nêu trên, chiều ngày 23/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Bộ Công Thương đã trình bày 2 biện pháp được Luật Quản lý ngoại thương cho phép áp dụng để kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo, gồm "cấp giấy phép xuất khẩu" và "tạm dừng xuất khẩu" để Thường trực Chính phủ và các Bộ ngành thảo luận.

Sau khi xem xét, đánh giá các khía cạnh, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận thực hiện phương án tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020. Các lô hàng đã được đăng ký mở tờ khai từ trước 0 giờ ngày 24/3/2020 thì tiếp tục được thực hiện.

Trong thời gian đó, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thương nhân xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2101/BCT-XNK ngày 24/3/2020 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng thực hiện một số nội dung theo Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các thương nhân. Đồng thời, kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Đoàn liên ngành, ý kiến tham gia của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2412/BCT-XNK ngày 6/4/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu có kiểm soát trong tháng 4 là 400.000 tấn.

Về việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 5, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều hành xuất khẩu gạo là phải bám sát theo diễn biến cụ thể của tình hình thực tế, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm an ninh lương thực trong nước ở mọi tình huống.

Để xác định phương án điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 và cả năm 2020. Tình hình được Bộ Công Thương đánh giá và được các bộ, ngành thống nhất là:

Đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên. Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh về cơ bản được khống chế dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tất cả các tỉnh/thành phố đều đã được hạ thấp nhóm nguy cơ.

Cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như tại thời điểm cuối tháng 3. Về nguồn cung thóc gạo, vụ đông xuân tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; vụ đông xuân tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa. Lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ hè thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

“Như vậy có thể khẳng định ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất” - Bộ trưởng cho biết.

Triển khai các dự án điện và bảo đảm an ninh năng lượng

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng cải thiện. Tuy vậy, mục tiêu bảo đảm cung cấp điện trong ngắn hạn đang đặt ra nhiều thách thức; các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, thủy điện lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí dần suy giảm, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch. Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện cho thấy việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2024 là hiện hữu.

“Với trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương thường xuyên rà soát tiến độ các dự án điện, tính toán nhu cầu phụ tải và cân đối cung cầu điện trong các năm đến 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Từ kết quả đánh giá, Bộ thường xuyên báo cáo Chính phủ về kế hoạch vận hành hệ thống trong ngắn hạn, giải pháp đảm bảo cung cầu điện cho từng giai đoạn” - Bộ trưởng thông tin.

Đối với điện mặt trời, đến nay, tổng công suất điện mặt trời đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã đưa vào vận hành trên 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 5.000 MW. Đối với điện gió, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW. Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống; phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, số lượng và công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian qua là rất lớn (hơn 25.000MW điện mặt trời và 45.000MW điện gió). Các đề xuất này tiếp tục được nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII.

Cùng đó, để bảo đảm triển khai quy hoạch tổng thể chung cho thời gian tới, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ ngay trong quý IV/2020. Trong đó, bám sát nội dung Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Dự kiến theo Quy hoạch điện VIII, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để bảo đảm an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc (nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng giảm dần; nguồn thủy điện được huy động tối đa; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG; phát triển nguồn thủy điện tích năng và các nguồn tích trữ năng lượng để điều tiết hệ thống và tăng khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo).

Quy hoạch lưới điện bảo đảm hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển nguồn điện, linh hoạt hơn trong quản lý vận hành và có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo, khả năng truyền tải các nguồn điện gió xa bờ; định hướng phát triển lưới điện thông minh, lưới điện truyền tải siêu cao áp trên 500kV, truyền tải một chiều...

Đồng thời, sẽ đề xuất chính sách, giải pháp để huy động vốn đầu tư; chú trọng đến cơ chế xã hội hóa đầu tư phát triển điện lực; cơ chế đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; cơ chế để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án điện đề ra trong quy hoạch.

BaoCongThuong



TIN KHÁC
Làm rõ tính đặc thù trong các cơ chế tài chính cho Hà Nội

Làm rõ tính đặc thù trong các cơ chế tài chính cho Hà Nội

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 12/6/2020.
Thủ tướng: Bằng mọi giải pháp để tăng trưởng dương, giải ngân hết vốn đầu tư công

Thủ tướng: Bằng mọi giải pháp để tăng trưởng dương, giải ngân hết vốn đầu tư công

Thủ tướng nêu rõ, dù tình hình thế nào cũng phải bình tĩnh với ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương, tăng trưởng toàn vùng ĐBSCL không thấp hơn mức bình quân cả nước.
THỜI SỰ Khẩn trương chuẩn bị ứng phó áp thấp mạnh lên thành bão

THỜI SỰ Khẩn trương chuẩn bị ứng phó áp thấp mạnh lên thành bão

Tại cuộc họp khẩn sáng 1/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị ứng phó với áp thấp trên biển Đông dự báo sẽ mạnh lên thành bão.
Hòa Bình cần biến khó khăn “địa hình” thành lợi thế

Hòa Bình cần biến khó khăn “địa hình” thành lợi thế

Phát triển kinh tế-xã hội của Hòa Bình phải đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng thủ đô Hà Nội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phú Thọ cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với tầm nhìn dài hạn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phú Thọ cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với tầm nhìn dài hạn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến đầu tư để kêu gọi thu hút dự án trong và ngoài nước vào Phú Thọ. Đồng thời, tỉnh có biện pháp xúc tiến đầu tư phù hợp, chuẩn bị mặt bằng, hạ tầng sẵn sàng, nguồn nhân lực tốt trong thu hút đầu tư.
Thực hiện Chỉ thị 19, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng

Thực hiện Chỉ thị 19, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP. Đà Nẵng với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19; bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng