Ngày đăng: 18/08/2020 Lượt xem: 604
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có riêng một chương về “thương mại và phát triển bền vững (chương 13). Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho biết: Cam kết phát triển bền vững, trong đó quyền của người lao động và môi trường, là hai nội dung giúp đảm bảo bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tham gia cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng. Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, DN Việt Nam cần phải định vị lại chiến lược kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội. Nếu thiếu những bước đi bài bản, DN khó đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Mặc dù đầu tư thực hiện những điều này có thể khiến chi phí tăng, nhưng hàng hóa của DN Việt Nam lại có cơ hội tiếp cận phân khúc thị trường giá cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xét về số lượng, thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA là nhóm cam kết lớn nhất. Tuy nhiên, nội dung liên quan đến phát triển bền vững không mới so với trước khi EVFTA có hiệu lực. Đối với nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, EVFTA có một số yêu cầu mới, đòi hỏi Việt Nam phải đối thoại và chia sẻ thông tin về thị trường carbon, tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải, hoặc phải có chính sách thúc đẩy các sản phẩm có lợi cho đa dạng sinh học, tiếp cận nguồn gen… Tuy nhiên, đây lại là các vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà nước, không phải nghĩa vụ trực tiếp của doanh nghiệp, nên các DN cũng không cần phải quá lo lắng. Dẫu vậy, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng khẳng định, thực hiện cam kết EVFTA về phát triển bền vững, đòi hỏi các DN trong một số lĩnh vực, ngành nghề phải nỗ lực rất nhiều mới bảo đảm thực thi.
BAOCONGTHUONG