Ngày đăng: 18/08/2020 Lượt xem: 581
Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 của Bộ Công Thương cho thấy, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành Công Thương trong giai đoạn 2016-2020 có sự tăng trưởng kinh tế đạt khá cao. Trong đó, về nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng và tăng cao vào những năm cuối kỳ Kế hoạch với chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) của toàn ngành công nghiệp trong thời kỳ Kế hoạch 2016-2020 ước tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%); Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 867,64 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên 1.108,16 nghìn tỷ đồng vào năm 2019.
Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp (bao gồm cả xây dựng) trong GDP tăng liên tục và đạt 34,5% vào năm 2019 và ước đạt 33,8% năm 2020, cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch là 30-35%. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.
Về kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2019 cũng tăng trưởng đáng kể, từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Trung bình tăng trưởng xuất khẩu tăng 13,1%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô (tỷ trọng xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% năm 2011 xuống 3% vào năm 2015 và chỉ còn 1,7% năm 2019), tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo (từ 63,46% vào năm 2011 lên 78,9% vào năm 2015 và 88,33% vào năm 2019).
Cơ cấu các ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực |
Đối với hoạt động thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2020, ước tăng khoảng 9,2%, từ 3.546 nghìn tỷ năm 2016 lên 4.940 nghìn tỷ vào năm 2019 và tăng trưởng khá đồng đều giữa các vùng kinh tế (từ 10-12%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng từ 38 triệu đồng vào năm 2016 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019.
Đóng góp của thị trường trong nước vào GDP tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019. Qua đó cho thấy thị trường trong nước đã và đang trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 cũng có nêu một số tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực như, quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển chậm chưa đạt mục tiêu đề ra. Chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng tăng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ cao và công nghệ nguồn còn chậm. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững.
Ngoài ra, về khai thác thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa tuy tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng mức tăng nhìn chung còn chưa cao so với tiềm năng của khu vực thị trường trong nước. Việc củng cố và kiện toàn hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm.
Để khắc phục những tồn tại nói trên, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều mục tiêu và giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đối với ngành Công Thương với một số nội dung trong vài lĩnh vực tiêu biểu.
Về phát triển công nghiệp, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2025 đạt trên 35%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Hình thành thí điểm được một số cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa trong một số ngành công nghiệp như dệt may, da dày, điện tử, chế biến thực phẩm.
Về phát triển xuất nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7-10%/năm.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 4,9%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 330 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 6%.
Về phát triển thương mại trong nước: Giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP vào năm 2025. Tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9 - 9,5%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng 35 - 40%.
Phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như: Sở giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại.
Để đạt được mục tiêu, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều giải pháp như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng kết cấu hạ tầng động bộ. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Thực hiện triển khai, Bộ Công Thương giao Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung Kế hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành Công Thương ở địa phương mình. Tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch trên địa bàn. Ban hành cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương địa phương theo quy định và hướng triển khai trên địa bàn.
BAOCONGTHUONG